Bắt đầu từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm việc từ xa (WFH - Work From Home) trở thành xu hướng tất yếu của đa số doanh nghiệp.
Theo đó, Hybrid Working - mô hình làm việc kết hợp cũng dần định hình.
Hybrid working - xu hướng làm việc trong tương lai
Báo cáo Work Trend Index của Microsoft - dựa trên khảo sát từ hơn 30.000 người tại 31 quốc gia - cho thấy, xu hướng làm việc mới trên thế giới là Hybrid working.
Theo đó, những “ông lớn” ngành công nghệ của thế giới như Microsoft, Google, Facebook,... cũng đều có những lựa chọn làm việc linh hoạt cho nhân viên: làm tại nhà, chỉ đến văn phòng khi cần thiết.
Facebook cũng khẳng định rằng ½ nhân viên của công ty có thể làm việc từ xa trong khoảng 5 đến 10 năm tới. Riêng với Twitter, công ty đã cho phép một số nhân viên có thể lựa chọn làm việc tại nhà vĩnh viễn.
Ngay tại Việt Nam, khảo sát cũng chỉ ra có 81% người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa, nhưng cũng có khoảng 77% mong gặp lại đồng nghiệp tại văn phòng.
Theo Microsoft, chỉ có môi trường làm việc linh hoạt mới có thể đáp ứng nhu cầu của cả 2 nhóm trên, giúp người lao động an tâm làm việc.
Thống kê sơ bộ cho thấy gần 2/3 kiến thức cũng như kỹ năng của người Việt Nam trong công việc là học được khi làm việc trực tiếp cùng nhau nhau. Nếu chỉ làm việc từ xa, việc đào tạo nhân viên hầu như là bất khả thi.
Do đó, việc áp dụng mô hình Hybrid working, yêu cầu nhân viên vừa làm tại nhà vừa làm việc trực tiếp ở văn phòng vào một số ngày nhất định, sẽ cho phép các công ty có thể khai đào tạo và tập huấn năng lực làm việc cho nhân viên.
Bên cạnh đó, theo báo của Microsoft, gần 50% số người thuộc thế hệ Z tham gia khảo sát cho biết họ ngày càng thấy áp lực và kiệt sức khi chạy đua với năng suất trong quá trình làm việc.
Do đó, việc chuyển đổi mô hình làm việc sang Hybrid working là phương pháp điều chỉnh tối ưu cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Bằng chứng là sau 1 năm thử nghiệm mô hình này, khảo sát từ Microsoft cho thấy có đến 62% lao động trong nước đã tìm thấy năng suất và niềm vui trong công việc, có những trải nghiệm cảm xúc cân bằng hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra tại các nước phát triển như Nhật Bản, New Zealand, Úc,...
Kết quả khả quan trong việc thử nghiệm mô hình Hybrid working cho thấy, môi trường làm việc linh hoạt có thể mở ra một thế giới nghề nghiệp mới, tạo nên một tương lai mới cho cách thức làm việc hiện đại.
“Công việc trong tương lai sẽ thay đổi đáng kể, linh hoạt hơn và không giới hạn ở một địa điểm”.
- CEO Google là ông Sundar Pichai từng nói.
Bước chuẩn bị của doanh nghiệp
Cũng theo báo cáo của Microsoft, tại Việt Nam, có đến 46% người được hỏi đang cân nhắc về việc thay đổi công việc trong năm nay. Riêng với thế hệ Z, con số này lên đến 52%.
Bà Phan Tú Quyên - Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam - nhận định rằng đã có 71% lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra những thay đổi này.
Số liệu từ ASUS Việt Nam cho thấy khoảng 82% doanh nghiệp đã ban hành chính sách làm việc linh động theo mô hình Hybrid working.
Theo đó, FPT cũng đã áp dụng mô hình làm việc kết hợp nhiều hình thức: vừa làm việc từ xa tại những vùng dịch, đồng thời áp dụng Hybrid working tại một số nơi khác.
Tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Telecom cũng từng lưu ý:
“Để áp dụng mô hình làm việc kết hợp, doanh nghiệp phải đầu tư chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng cả về nhân lực, bảo mật, công nghệ”.
Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch cấp cao của Poly khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ông ông Pierre-Jean Châlon cho biết:
“Khi các nhóm trở nên mất kết nối về mặt vật lý và duy trì kết nối ảo, thì công nghệ trở thành chìa khóa kết nối giao tiếp giữa các nhóm để tối ưu hóa hiệu quả và năng suất công việc”.
Theo các báo cáo liên quan, mô hình Hybrid working hiện tại chỉ thích hợp ở một số lĩnh vực như công nghệ, thiết kế, truyền thông/quảng cáo, thời trang, mỹ phẩm, du lịch, đồ gia dụng,...
Đối với các ngành đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong việc bảo mật thông tin, quy trình như ngân hàng, chứng khoán,... thì mô hình Hybrid working lại chưa thực sự phù hợp.
Thích nghi với sự thay đổi
Tốc độ dịch chuyển sang Hybrid Working phụ thuộc vào những yếu tố quan trọng như diện tích nhà ở, cơ cấu dân cư, đường truyền Internet, sự thuận tiện trong việc di chuyển tới văn phòng, cũng như thời gian giãn cách xã hội.
Theo Poly, để đi trước một bước trong việc chuyển đổi mô hình Hybrid working, các doanh nghiệp cần đáp ứng, thiết kế và điều chỉnh các hoạt động, vượt qua thách thức và thích nghi với bất kỳ thay đổi nào mà họ gặp phải.
Poly cũng dự báo, mô hình Hybrid Working cũng kéo theo sự thay đổi về không gian làm việc. Theo đó, các văn phòng tại nhà sẽ tập trung vào nhà bếp, không gian làm việc chung cũng sẽ chiếm ưu thế.
Thậm chí, cảnh quan thành phố cũng sẽ có sự khác biệt dựa trên những đổi mới trong không gian làm việc.
bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại tại Savills Hà Nội nhận định rằng, nhân viên văn phòng gần như đã quen với cách thức làm việc từ xa trong bối cảnh đại dịch.
Theo Savills Việt Nam, doanh nghiệp nên cân nhắc 3 khía cạnh chính khi xây dựng văn phòng kiểu mới là tính linh hoạt, quản lý tốt và đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cần tính đến một số rủi ro và vấn đề khi người lao động không gặp mặt và tương tác trực tiếp với nhau trong công việc
Những rủi ro đó có thể là sự mất cân bằng giữa văn hóa hiện hữu và văn hóa làm việc linh hoạt, hoặc nguy cơ tội phạm mạng cũng như khó quản lý sự thay đổi trong quá trình chuyển đổi mô hình làm việc.
Theo đề xuất của bà Megan Reitz - Giáo sư Trường Kinh doanh Hult Ashridge, các doanh nghiệp có thể “rèn giũa thói quen cơ bản” vào văn hóa của đội nhóm, nhằm kết hợp các nhóm làm việc Hybrid working và đảm bảo nhân viên có thể tương tác.
Poly cũng cho biết, để có thể làm được điều đó, doanh nghiệp cần phải bao trùm được văn hóa làm việc.
Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần có khả năng, kỹ năng trong việc tìm hiểu, thăm dò, đặt câu hỏi, điều chỉnh, khai thác, đánh giá sự khác biệt nơi nhân viên để đưa ra những phương hướng chuyển đổi chính xác, hiệu quả.
Nguồn: Theo Nhịp Cầu Đầu Tư