Phát biểu tại hội nghị thực tế ảo Connect vào tháng 10 vừa qua, CEO Zuckerberg tuyên bố đã đến lúc đại tu bản sắc của công ty để phản ánh những tham vọng lớn hơn.
Bằng việc đổi tên công ty thành Meta cho thấy tham vọng rất lớn của Mark trong việc xây dựng một tương lai mới của Internet mà nơi đó không gì khác ngoài Metaverse - “vũ trụ ảo”.
Sở dĩ, Mark Zuckerberg và nhiều chuyên gia khác khẳng định Metaverse sẽ là tương lai của Internet bởi tại vũ trụ kỹ thuật số này, bạn không chỉ đến để giải trí hay làm việc, và mọi hoạt động thương mại, mua sắm, bất động sản,...đều có thể diễn ra.
Hiện tại, vẫn chưa có một định nghĩa chung chính thống về khái niệm “metaverse’’.
Trong buổi tọa đàm Trends Talk #1 vừa qua, ông Ông Phan Đức Anh Tuấn - Founder Calo App đã nhận xét rằng:
“Metaverse là nhu cầu tất yếu. Nó sẽ là điểm hội tụ giữa công nghệ và những cảm xúc, trải nghiệm, cũng như những mong muốn trong bản thân của chúng ta về nhu cầu được kết, nối nhu cầu được chia sẻ.”
Với Metaverse, màn hình, ảnh ba chiều, tai nghe VR và kính thực tế tăng cường sẽ cho phép vũ trụ ảo ở những nơi thực tế “chuyển động” linh hoạt, quá trình được Zuckerberg ví như “dịch chuyển tức thời”.
Chắc chắn, sự phát triển của Metaverse cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách hoạt động và tiếp thị của các thương hiệu trong thời đại mới.
Trong giai đoạn đầu tiên này, hàng loạt thương hiệu, nhà đầu tư, người nổi tiếng,... ai cũng đều muốn có mặt trên vũ trụ ảo và trở thành người tiên phong khai phá “vùng đất mới” này.
Cùng Trends Việt Nam điểm qua một số cách mà thương hiệu có thể tận dụng Metaverse.
1. Xây dựng nhân vật thương hiệu
Các thương hiệu có thể quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trong thế giới Metaverse. Họ có thể tạo ra và mang linh vật của mình đi khắp Metaverse tương tác với người dùng.
Các doanh nghiệp có thể tổ chức trò chơi về thương hiệu hay các cuộc thi thiết kế một kiểu trang phục trong không gian ảo.
Điều này sẽ nâng cao nhận thức của người dùng và cũng như tăng khả năng tương tác, mối quan hệ giữa người dùng và thương hiệu bền chặt hơn.
Giờ đây, Animal Crossing - một trò chơi mô phỏng trò chơi xã hội cho phép các thương hiệu xây dựng các nhân vật đại diện cho thương hiệu, tái thiết lập thế giới thực và cung cấp các dịch vụ của họ ngay trong game.
Sentosa Development Corporation, tập đoàn trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp của Chính phủ Singapore với nhiệm vụ quản lý và quảng bá khu nghỉ mát trên đảo Sentosa, đã “xây dựng” đảo Sentosa ngay trong trò chơi Animal Crossing.
Họ mời người chơi ghé thăm những thắng cảnh trên đảo và tham gia các lớp học yoga ảo.
Cũng trong thế giới của Animal Crossing, Deliveroo – một dịch vụ giao thức ăn của Anh đã cử hẳn một đội “shipper ảo” vào game để giao đồ ăn kèm theo mã khuyến mãi áp dụng trong đời thực.
Trong mảng FMCG, thương hiệu dao cạo cho phụ nữ Venus thuộc tập đoàn P&G đã tạo ra các nhân vật với những loại da “chân thực hơn” trong các game ta thường thấy, bao gồm da tàn nhang, mụn, rạn da, vảy nến, và tất nhiên, cả lông.
Đây là một phần của chiến dịch “My Skin, My Way” của hãng nhằm tiếp cận hiệu quả hơn nhóm khách hàng millennial và gen Z - lượng người dùng chính trong trò chơi.
2. Sắm “hàng hiệu” cho nhân vật
Gần đây, hãng thời trang Gucci đã bán các sản phẩm như túi xách, kính mắt, mũ,... (ở dạng kỹ thuật số) trên nền tảng trò chơi trực tuyến Roblox.
Trung bình một chiếc túi kỹ thuật số Gucci Dionysus Bag with Bee đang được bán lại với giá hơn 4100 đô, thậm chí cao hơn giá một chiếc túi Gucci Dionysus ngoài đời thật với giá 3400 đô, và đã tăng giá gấp nhiều so với giá gốc trên Roblox.
Bên cạnh đó, nổi bật nhất có thể kể đến RTFKT Studios, đây được xem là thương hiệu đứng sau hàng giày ảo đình đám hiện nay.
RTFKT Studios vừa qua cũng đã cho ra mắt 3 mẫu thiết kế giày thể thao kết hợp cùng nghệ sĩ ảo Fewocious với mức giá từ 3.000 - 10.000 USD cho mỗi đôi.
Hơn 600 đôi giày trong đã bán sạch trong vòng 7 phút giúp nhãn hàng thu về doanh thu 3,1 triệu USD. Mỗi người mua sẽ được chứng nhận quyền sở hữu mỗi đôi giày bằng NFT.
Có thể thấy, ngay cả trong thế giới ảo, người dùng cũng mong muốn thể hiện cái “tôi” mình bằng cách mua sắm những sản phẩm thời trang đắt tiền cho những nhân vật trong game.
Việc Gucci hay RTFK tung ra những sản phẩm trên đều đánh đúng nhu cầu khẳng định bản thân của người dùng - nhu cầu cao nhất trong tháp Maslow.
3. Tổ chức sự kiện, tương tác trực tuyến
Massive Interactive Live Events (MILEs) là hình thức sự kiện trực tuyến trong thế giới ảo cho phép một số lượng lớn người tham dự và tương tác.
Hiện nay hầu hết MILEs là dạng thức dành riêng cho game, nhưng khả năng tiếp cận của nó có thể được ứng dụng cho nhiều ngành nghề khác.
Về âm nhạc, rapper người Mỹ Travis Scott đã hoá thân thành một nhà du hành vũ trụ phiêu trong cõi huyền ảo với màn biểu diễn kéo dài gần 10 phút trên tựa game đình đám Fortnite.
Theo nhà quản lý game, hơn 27,7 triệu khán giả đã xem buổi phát sóng đầu tiên và 4 buổi phát lại màn trình diễn của Travis Scott.
Chiến dịch đạt hiệu quả truyền thông bất ngờ và giúp Fortnite giành được nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions 2021, Clio Award 2020,...
Không dừng ở đó, nhiều buổi trình diễn thời trang cũng đang được tổ chức, thương hiệu Balenciaga cũng vừa trình làng một video game mang tên Afterworld, sử dụng công cụ thiết kế trò chơi Unreal Engine của Epic Games để trình làng bộ sưu tập mùa thu 2021 đầy ấn tượng.
Sự kiện được xem là một trong những hoạt động Marketing quan trọng để thương hiệu kết nối với khách hàng.
Những ngăn trở do dịch bệnh và giãn cách xã hội khiến các sự kiện ảo (Virtual event) bắt đầu được cân nhắc, và trong tương lai khi chúng ta tiến tới metaverse, các sự kiện ảo sẽ còn được chào đón và quan tâm hơn nữa.
4. Tăng cường trải nghiệm khách hàng
“Sẽ có sự thay đổi rõ rệt khi một lượng lớn người dùng thích nghi với Metaverse, kéo theo đó là sự thay đổi trong hình thức tương tác kinh doanh.” anh Nguyễn Tiến Huy chia sẻ trong buổi tọa đàm.
Ngày trước, việc tạo ra những trải nghiệm số trên Internet như ứng dụng hay Website đã là một điều rất tiện lợi và tuyệt vời.
Nhưng giờ đây, nhờ thế giới ảo Metaverse, dù vị trí thực của người dùng có đang ở đâu thì họ vẫn hoàn toàn đến thăm một địa điểm khác ngay tức khắc mà vẫn có trải nghiệm đa chiều và chân thật.
Đáng chú ý, hiện nay Seens.io đang giới thiệu và xúc tiến hình thức chi nhánh ngân hàng ảo cho một số ngân hàng, những showroom ảo cho một số doanh nghiệp,...
Đối với ngân hàng Metaverse, khách hàng được giao tiếp với nhân viên ảo và trải nghiệm không gian ảo mà thực của chi nhánh ngân hàng, thay vì chỉ đối mặt với màn hình máy tính khi thực hiện các giao dịch trực tuyến như trước.
Điều này tương tự như việc quảng cáo trên mạng xã hội, các nhà quảng cáo mới chỉ chạm được đến tên tuổi, giới tính của bạn, thì trong một thế giới ảo, họ còn có thể biết được ngôn ngữ cơ thể, phản ứng sinh lý của bạn, biết được bạn đang tương tác với ai và như thế nào.
Hiển nhiên điều này sẽ làm thay đổi cách thức tương tác truyền thống giữa doanh nghiệp và khách hàng. Buộc doanh nghiệp phải đào tạo đội ngũ bán hàng và chăm sóc khách hàng của mình một cách chuyên nghiệp và bài bản như ngoài đời thực.
Metaverse là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Không ai có thể đoán trước được mức độ phát triển và thành công của xu hướng này tại Việt Nam, nhưng giai đoạn này vẫn là thời điểm vàng cho những thương hiệu muốn đón đầu thị trường này.
Vì vậy, các thương hiệu hãy chắc chắn khả năng ứng dụng công nghệ và nắm bắt xu hướng để tạo nên những chiến dịch/hoạt động truyền thông thu hút sẽ là điểm mạnh trong quá trình tiếp cận công chúng ở tương lai sắp tới.
Cùng xem lại sự kiện Trends talk #1:
Nguồn: Trends Việt Nam
--
DIGIMIND AGENCY - MINDSET FIRST
🏠 Dịch vụ: Strategic Consultant, Digital Marketing, Public Relation, Academy
🏠 Địa chỉ: Toà nhà Rocland, 112 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎️ Hotline: 0972 36 88 55
🌐 Website: www.digimind.vn
📩 Email: info@digimindvn.com