Facebook dự đoán xu hướng phát triển e-commerce trên thế giới
Theo báo cáo cuối tháng 6 năm 2021, Facebook dự đoán về sự phát triển của e-commerce (thương mại điện tử trong) tương lai thông qua những yếu tố về công nghệ, nhu cầu cá nhân và truyền thông số.
Khảo sát của Facebook được thực hiện với 25.885 đối tượng thuộc nhiều độ tuổi và quốc tịch, ghi nhận các số liệu như: sự gia tăng về định mức sử dụng thiết bị di động; mối lo ngại về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư; sự khởi sắc của nền kinh tế,...
Từ đó, Facebook dự đoán việc mua sắm qua thương mại điện tử không chỉ là hình thức tạm thời trong dịch bệnh mà sẽ sẽ trở thành xu hướng mua sắm mới hướng tiêu dùng trong thời đại mới.
Thương mại điện tử sẽ còn phát triển hơn ngay cả khi đại dịch chấm dứt
Facebook nhận định, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng toàn cầu hướng đến những phương thức, địa điểm và thời gian mua sắm hoàn toàn khác với truyền thống.
Dịch bệnh làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Báo cáo của Facebook cho thấy từ khi đại dịch bùng phát, 81% người tiêu dùng trên toàn thế giới đã thay đổi thói quen. Trong đó, có 92% người khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thói quen mới này dài hạn ngay cả khi dịch bệnh đã chấm dứt.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự đoán tương tự rằng trong tương lai, mua sắm thông qua thương mại điện tử sẽ dần chiếm ưu thế hơn so với phương thức mua sắm trực tiếp truyền thống.
Các chuyên gia cho rằng mua sắm trực tuyến không phải một phương thức tạm thời để đối phó với dịch bệnh, mà sẽ trở thành xu hướng mới với những trải nghiệm mua sắm hiện đại, thông minh và được cải thiện không ngừng cho người tiêu dùng.
Thanh toán trực tiếp cũng là hình thức thanh toán phổ biến.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng sự ổn định và tăng trưởng của thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến - thanh toán không tiền mặt cũng như dịch vụ logistics (hậu cần) cũng sẽ lên ngôi và trở nên phổ biến trong tương lai.
Thương mại điện tử phục vụ nhu cầu cá nhân
Từ nhu cầu cá nhân và những thay đổi về thói quen mua sắm, người tiêu dùng có những đòi hỏi cao hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, chia sẻ thông tin cá nhân cũng như mong muốn được tự kiểm soát cách mua sắm.
Được biết, nhu cầu mua sắm cá nhân toàn cầu không chỉ thay đổi từ đại dịch, mà đã xuất hiện từ những năm gần đây. Dựa trên một báo cáo của Kantar, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là đối với khu vực châu Á.
Những sản phẩm thiết yếu này là những mặt hàng vệ sinh, y tế, diệt khuẩn, chăm sóc và bảo vệ cơ thể cũng như sức khỏe như nước rửa tay, thuốc men, dung dịch sát khuẩn, lương thực, nhu yếu phẩm...
Trong khi đó, những sản phẩm như đồ điện, hàng công nghệ, mỹ phẩm, thời trang hay các mặt hàng không thiết yếu khác như thuốc lá, vé số, đồ uống có cồn,... đều giảm mạnh.
Cũng theo báo cáo từ Kantar tại châu Á, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch vụ ăn uống tại chỗ giảm mạnh (-30%). Thay vào đó là xu hướng mua mang về, đặt giao tận nơi hoặc tự chế biến.
Dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ.
Khảo sát cho thấy tỷ lệ đặt món qua website, ứng dụng thương mại điện tử và dịch vụ giao tận nơi của nhà hàng đều tăng, lần lượt là 48%, 43% và 37%. Dịch vụ bán mang về cũng tăng đến 33% so với thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ và các kỹ thuật hiện đại, việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng cũng chính xác và giúp tối ưu hoá trải nghiệm người dùng khi mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Theo Facebook, 69% người tiêu dùng trực tuyến trên thế giới kỳ vọng các thương hiệu thương mại điện tử có thể kết nối cá nhân hơn, cung cấp nội dung hoặc giao dịch được cá nhân hóa để việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Xu hướng marketing bằng truyền thông xã hội và KOLs
Cũng trong báo cáo gần đây, Facebook cho biết hơn 50% người tiêu dùng trên thế giới chọn mua các sản phẩm từng được những người nổi tiếng, các blogger hay những KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) giới thiệu hoặc chia sẻ trải nghiệm.
Theo báo cáo, 45% người mua sắm trực tuyến cho biết họ muốn mua những sản phẩm do các KOLs quảng cáo trực tiếp thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Có thể thấy độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng và khả năng sáng tạo của các KOLs có thể thu hút người tiêu dùng một cách hiệu quả, đồng thời hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng uy tín cho thương hiệu cũng như cho sàn thương mại điện tử.
Từ đó, một hình thức quảng bá sản phẩm mới cũng ra đời và ngày càng phát triển: KOL Affiliate - được biết đến là chương trình tiếp thị liên kết dành cho KOLs.
KOL Affiliate là một trong những hình thức marketing được các trang thương mại điện tử hàng đầu như Amazon hay Taobao thực hiện.
Tại Việt Nam, hình thức quảng bá này đã xuất hiện từ ba năm trước mà tiên phong là Lazada. Hiện nay, nhiều sàn thương mại điện tử lớn cũng đều đã áp dụng KOL Affiliate, mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn thương hiệu đối tác.
Chương trình KOL Affiliate của Shopee - một trong những sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh các kênh truyền thông xã hội lớn như Facebook, Instagram, TikTok,... các sàn thương mại điện tử còn khai thác thêm kênh livestream để tăng độ nhận diện thương hiệu, thu hút thêm nhiều nhà bán hàng và nhiều người tiêu dùng hơn.
Xu hướng marketing này được dự đoán sẽ là một trong những xu hướng mới của ngành thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp cận thêm nhiều đối tượng người dùng của thương mại điện tử.
Nguồn: Trends Việt Nam