Đằng sau sự phát triển của sáng tạo nội dung là cuộc chạy đua không nghỉ của những "gã khổng lồ" công nghệ
Những kẻ mới nổi đáng gờm
Trong vài năm trở lại đây, số lượng người hoạt động độc lập trong lĩnh vực sáng tạo tăng tốc chóng mặt.
Họ không làm việc cho các doanh nghiệp (DN) còn tự tạo ra nội dung dưới nhiều hình thức như bài viết, video, podcast… trên các nền tảng khác nhau.
Qua đó, xây dựng được một cộng đồng theo dõi, và kiếm được tiền từ các các kênh này.
Theo số liệu của SignalFire (một công ty đầu tư có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp số liệu, tư vấn cho DN), hiện nay trên thế giới có khoảng 50 triệu người đang tự nhận làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung dù loại hình công việc này mới chỉ xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây.
Con số này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong tương lai, khi các thống kê chỉ riêng tại Mỹ cho thấy số trẻ em muốn trở thành “ngôi sao” YouTube chiếm tới 29%, so với 11% những đứa trẻ được khảo sát thể hiện ước mơ trở thành phi hành gia.
Những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter… đã dành nhiều thời gian tập trung vào phát triển doanh thu từ quảng cáo cho DN mà “bỏ quên” việc tạo ra các công cụ cho người dùng cá nhân ở lĩnh vực sáng tạo.
Nhiều công ty công nghệ mới thành lập đã gây chú ý khi tung ra các sản phẩm để lấp đầy khoảng trống này.
Trong các ví dụ về những “kẻ mới nổi” gặt hái thành công lớn, có thể kể đến Clubhouse.
Ứng dụng này mới được phát hành tháng 4/2020, dành cho hệ điều hành iOS và Android, giúp người dùng kết nối bằng âm thanh trực tiếp tới hàng ngàn người cùng lúc, cho phép họ trao đổi về các chủ đề được quan tâm như công nghệ, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe…
Đến tháng 12/2020, đã có hơn 600.000 người sử dụng ứng dụng này, còn Clubhouse được định giá lên tới 100 triệu USD.
Chỉ hai tháng sau, vào ngày 21/1/2021, nền tảng này được định giá 1 tỷ USD, với hơn 2 triệu người dùng.
Thậm chí hồi tháng 3 vừa qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk còn đăng trên Twitter, ngỏ ý mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia đàm thoại trên Clubhouse.
Số lượt tải về ứng dụng này chỉ riêng trong tháng 6/2021 đã là 7,8 triệu lượt - theo Business Insider.
Hay như Discord, ứng dụng trò chuyện nhóm dành cho game thủ, được phát hành lần đầu năm 2015, hoàn thiện qua các phiên bản và trở nên ổn định từ 2018.
Cuối năm 2020, ứng dụng này được định giá 7 tỷ USD. Đến nay, Discord có 140 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, và hơn 300 triệu tài khoản được đăng ký.
Vừa qua, Microsoft đã ngỏ ý mua lại Discord với mức giá 10 tỷ USD.
TikTok là cái tên đã trở nên vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện.
Ra mắt lần đầu năm 2016, đến đầu năm 2018, số lượng người dùng TikTok đã đạt 55 triệu người. Tháng 7/2020, con số này tăng lên hơn 700 triệu người dùng, hơn 2 tỷ lượt tải về.
Theo hãng tin Reuters, TikTok hiện đang được định giá lên đến hơn 50 tỷ USD.
Nền tảng dành cho các sản phẩm dạng video ngắn này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa khi nó đang biến những người bình thường trở nên vô cùng nổi tiếng.
Đồng thời lôi kéo những người nổi tiếng cùng lượng người theo dõi của họ đổ về từ các nền tảng khác như Instagram hay YouTube.
Substack là một nền tảng trực tuyến cung cấp công cụ cho việc xuất bản các bản tin, cung cấp các hỗ trợ về thanh toán, phân tích, thiết kế… cho người dùng.
Mặc dù các công cụ dành cho nghe - nhìn có vẻ như đang chiếm ưu thế lớn trên thị trường, nhưng vẫn còn rất nhiều người yêu thích và sử dụng các công cụ đọc - viết.
Ra mắt lần đầu năm 2017, tháng 4 vừa qua, Substack đã được định giá lên tới 650 triệu USD.
Các "ông lớn" bắt đầu giành lại thị phần
Trước thực tế về sự phát triển ngoạn mục của các công ty mới nổi trong việc xây dựng nền tảng sáng tạo cho người dùng cá nhân, các gã khổng lồ công nghệ đang đầu tư để lấy lại vị thế cần thiết.
Mới đây nhất, Facebook ra mắt nền tảng Bulletin tại Mỹ, như một đối trọng với Substack.
Người dùng Bulletin có thể chia sẻ bài viết của họ thông qua email tới những người theo dõi, tận dụng khả năng phân phối cực lớn của nền tảng Facebook để xây dựng lượng người theo dõi cá nhân.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết mục đích của Bulletin là hỗ trợ cho hàng triệu người đang làm việc trong lĩnh vực sáng tạo.
Zuckerberg cũng hy vọng Bulletin sẽ trở thành nơi để các phóng viên quảng bá những dự án âm thanh vào podcast của họ.
Để chuẩn bị cho sự ra mắt này, Facebook đã dành nhiều tháng làm việc với các cây viết trong nhiều lĩnh vực như thể thao, giải trí, khoa học, sức khoẻ.
Công ty này trả tiền để họ đưa cộng đồng người đọc sẵn có đến với nền tảng mới của Facebook, trong đó có thể kể đến những cái tên như Malcolm Gladwell, cây viết của New Yorker, hay tác giả Mitch Albom, nhà tâm lý học Adam Grant…
Facebook đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống và đối tác, với nhiều tác giả hơn nữa, bao gồm cả những người tập trung vào các tin tức địa phương.
Ở nhiều lĩnh vực khác, các công ty công nghệ lớn cũng đang dần có sự đầu tư. Spotify mới cho ra mắt ứng dụng âm thanh trực tiếp có tên Greenroom trong tháng 6.
Ứng dụng này cho phép những người làm nội dung sáng tạo tham gia các phòng âm thanh trực tiếp, sau đó biến các cuộc đối thoại thành dạng podcast.
Greenroom được xây dựng sau khi Spotify mua lại một startup âm thanh trực tiếp tên Locker Room.
Facebook cũng thử nghiệm tính năng mới có tên “Live Audio Rooms”.
Cả Facebook, Twitter, Snapchat, YouTube và Reddit đều cho ra mắt hoặc mua lại các tính năng, ứng dụng cho định dạng video ngắn để cạnh tranh với TikTok.
Tuy nhiên, không như các ứng dụng sáng tạo mới nổi khác, TikTok dường như đã sẵn sàng đối đầu, vì nền tảng này vốn đã được sở hữu bởi một công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc: ByteDance.
Bên lề cuộc đua
Khi các hãng công nghệ cùng tham gia thị trường và tung ra nhiều sản phẩm để thu hút người dùng, theo logic thông thường thì hẳn nhiên nhóm người này luôn được lợi.
Họ có nhiều lựa chọn để phát triển công việc hơn, hiện diện thường xuyên và tăng độ phủ tên tuổi đối với cộng đồng người theo dõi.
Các hãng cũng hưởng lợi từ việc người dùng nổi tiếng gia nhập hệ thống của hãng, kéo theo lượng theo dõi lớn đến với các nền tảng mới ra mắt.
Tuy nhiên sự gia tăng đột ngột và bất thường của các ứng dụng và số lượng người dùng cũng dẫn đến nhiều vấn đề khó kiểm soát.
Một trong những vấn đề hàng đầu là việc bảo mật thông tin. Ngày 28/7/2020 Substack đã gặp phải một sự cố, dẫn đến làm lộ email người dùng.
Substack đã khắc phục ngay khi phát hiện lỗi này, nhưng không đưa ra con số cụ thể về số người bị ảnh hưởng.
Hay như Facebook cũng đã từng phải đối mặt với bê bối khi công ty Cambridge Analytica lợi dụng nền tảng này để thu thập dữ liệu người dùng hồi năm 2018, và không có gì chắc chắn rằng những việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra trong tương lai.
Mặc dù hướng đến phục vụ người dùng trong việc tạo ra các nội dung sáng tạo cá nhân, quyền lực mà các nền tảng mạng xã hội này giao vào tay người sử dụng cũng như một con dao hai lưỡi.
Một mặt, mỗi người tham gia có thêm nhiều phương tiện để cất lên tiếng nói của riêng họ, thể hiện những nội dung sáng tạo mà họ mong muốn, tiếp cận được với nhiều hơn nữa những người có cùng mối quan tâm.
Mặt khác, với tính lan truyền mạnh mẽ, các nền tảng cũng dễ dàng bị biến thành nơi dung túng cho việc lừa đảo, quấy rối, lạm dụng, bắt nạt…
Bất cứ loại hình mạng xã hội nào cũng đều đang tồn tại những vấn đề này.
Cuộc đua xây dựng nền tảng sáng tạo cá nhân mới chỉ bắt đầu và vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan sát, đánh giá tỉ mỉ.
Nguồn: Trends Việt Nam
--
DIGIMIND AGENCY - MINDSET FIRST
🏠 Địa chỉ: Toà nhà Rocland, 112 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎️ Hotline: 0972 36 88 55
🌐 Website: www.digimind.vn
📩 Email: info@digimindvn.com