Nhận diện thương hiệu (Brand Awareness) là mức độ quen thuộc và khả năng ghi nhớ của khách hàng đối với nhãn hàng đó.
Đây là cơ hội để truyền tải những thuộc tính của thương hiệu, tiêu biểu như đặc tính của sản phẩm, bằng một hình thức chân thành, thân thiện và cởi mở nhất tới khách hàng.
Nhận diện thương hiệu sẽ xây dựng nên sự tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu từ đó kéo theo sự tăng trưởng về doanh số.
Để tăng sự nhận diện thương hiệu trong thời đại số hiện nay doanh nghiệp cần nắm được 4 chiến lược:
Xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội; đứng đầu công cụ tìm kiếm; kết hợp với người nổi tiếng và cuối cùng là tài trợ các chương trình, sự kiện.
1. Kết nối với khách hàng qua mạng xã hội
Đầu tiên đơn giản và cần thiết nhất là xây dựng tên tuổi thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội để nhiều người biết đến.
Dù đang trong quá trình xây dựng nhận diện hay phát triển thương hiệu thì việc truyền thông trên mạng xã hội cũng là điều cần thiết cho chiến lược thương hiệu.
Điều này cho thấy doanh nghiệp luôn theo kịp thời đại, tiếp thu được nền tảng kiến thức mới mẻ và luôn thay đổi phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Bỏ qua truyền thông mạng xã hội, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự đánh mất vô số lợi ích và vị trí của mình trên thị trường cạnh tranh.
Độ phủ sóng rộng rãi đến mọi đối tượng khiến truyền thông mạng xã hội đang dần trở thành phương thức được ưa chuộng nhất.
Hiện tại Việt Nam có hơn 73% dân số sử dụng internet.
Theo Báo cáo tổng quan thị trường kỹ thuật số Việt Nam năm 2022 của We are Social:
Hiện nước ta có hơn 70 triệu người sử dụng Facebook, 62,5 triệu người dùng YouTube, gần 12 triệu người sử dụng Instagram và khoảng 40 triệu người dùng TikTok.
Thời gian trung bình mỗi người từ 16–64 tuổi sử dụng Internet mỗi ngày hơn sáu tiếng, trong đó họ dành hai tiếng 28 phút cho các mạng xã hội.
Chưa kể, các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram có những thuật toán riêng để đưa ra gợi ý sát với nhu cầu của khách hàng nhất thông qua lịch sử tìm kiếm, trò chuyện, cuộc hội thoại.
Nhờ thế mà thương hiệu có cơ hội xuất hiện với tần suất dày đặc trên Internet có thể mang đến độ nhận diện nhất định.
Điều này đáp ứng chiến lược thương hiệu và nhắc nhở khách hàng về sản phẩm, dịch vụ thương hiệu cung cấp.
2. Đứng đầu công cụ tìm kiếm thể hiện sự uy tín của doanh nghiệp
Mức độ nhận diện cũng có nghĩa là đứng đầu trong bảng xếp hạng tìm kiếm.
Mọi người có xu hướng sử dụng Google cho tất cả mục đích, bao gồm cả tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ từ doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải xác định những từ khóa khách hàng mục tiêu thường xuyên sử dụng để tìm kiếm thông tin.
Sau đó, bổ sung các thông tin đó trong tiêu đề, thẻ cũng như tất cả các nội dung trực tuyến của doanh nghiệp.
Bản thân bộ máy tìm kiếm của Google được trang bị 1 một bộ lọc về thương hiệu.
Nếu tính xây dựng thương hiệu càng mạnh thì khả năng lên top càng cao.
Lấy ví dụ cụ thể như ngành bán lẻ thì kết quả tìm kiếm đa số là các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki hay Lazada.
Đưa doanh nghiệp lên đầu kết quả tìm kiếm là một cách hiệu quả trong xây dựng thương hiệu trực tuyến mà các nhãn hàng không nên bỏ qua.
3. Hợp tác với người nổi tiếng
Sự bùng nổ của mạng xã hội kéo theo nhiều người có sức ảnh hưởng trở thành đối tác tăng sự hiện diện của các nhãn hàng.
Báo cáo về thị trường tiếp thị thông qua người ảnh hưởng tại Việt Nam năm 2020 của 7SAT chỉ ra:
33% người mua hàng tin tưởng vào các mẫu quảng cáo, trong khi con số dành cho những lời giới thiệu đến từ những nhân vật có sức ảnh hưởng lên đến 90%.
Trung bình, một chiến dịch tiếp thị thông qua người ảnh hưởng hiệu quả có thể mang lại doanh thu cao gấp 6,5 lần chi phí bỏ ra.
Nhờ vậy mà góp phần tăng tổng quy mô thị trường tiếp thị qua người ảnh hưởng tại Việt Nam lên 69 triệu đô la Mỹ năm 2019 (không bao gồm các hợp đồng đại sứ thương hiệu, các hoạt động quảng cáo, truyền hình).
Khi những người có ảnh hưởng đề cập đến một sản phẩm và thảo luận về thương hiệu đó trong nội dung của họ, phạm vi tiếp cận của nhãn hàng sẽ tăng lên.
Từ đó kéo theo việc nâng cao nhận thức của mọi người về sản phẩm của doanh nghiệp được người nổi tiếng nhắc đến.
Đọc thêm: Ứng dụng Influencer Marketing sao cho hiệu quả?
4. Tài trợ cho các sự kiện lớn, chương trình vì cộng đồng
Dù công nghệ giúp doanh nghiệp phủ sóng khắp nơi nhưng không vì thế mà các hoạt động quảng bá trực tiếp bị bỏ ngỏ.
Chiến lược tăng cường sự tin tưởng của khách hàng tới thương hiệu vẫn còn hiệu quả tới nay đó là tài trợ cho các cuộc thi, sự kiện cộng đồng.
Doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh nên tiếp cận với những sự kiện, hội chợ, chương trình vì động cồng để cơ hội quảng bá hình ảnh thương hiệu cho hàng trăm, hàng nghìn người tham gia.
Mục đích cơ bản của tài trợ là gợi lên những mối tương quan tích cực giữa sự kiện (thể thao, nghệ thuật, từ thiện) và thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng.
Điều này được thực hiện bằng cách hiển thị logo của doanh nghiệp tại các sự kiện hoặc địa điểm và các phương tiện truyền thông quảng bá sự kiện đó.
Các thương hiệu có tài trợ vào các sự kiện dễ được công chúng nhớ đến hơn so với sản phẩm, dịch vụ hay một nhân vật họ thấy trên mạng xã hội.
Các hoạt động tài trợ cuộc thi sẽ có tác động lớn hơn đối với những người chưa từng nghe hoặc biết đến thương hiệu.
Những thông tin về sự kiện gắn liền với hình ảnh của nhãn hàng sẽ ghi lại nhiều lần trong tâm trí của khách hàng.
Mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, khách hàng sẽ ít có cơ hội để trực tiếp trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng.
Tuy nhiên, họ sẽ có cái nhìn tích cực hơn nếu tên của thương hiệu gắn liền với một sự kiện lớn và tăng khả năng mua sản phẩm ở những lần tiếp theo.
Nâng cao giá trị, hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng là mục tiêu mà mọi thương hiệu đều hướng đến.
Kết hợp đồng thời các phương thức cả trực tuyến và trực tiếp đem lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp.
Nguồn: Trends Việt Nam
--
DIGIMIND AGENCY - MINDSET FIRST
🏠 Dịch vụ: Strategic Consultant, Digital Marketing, Public Relation, Academy
🏠 Địa chỉ: Tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội
☎️ Hotline: 0972 36 88 55
🌐 Website: www.digimind.vn
📩 Email: ceo@digimind.vn