“Chúng tôi không tin cửa hàng vật lý sẽ chết” - Ông chủ Zara khẳng định về tương lai ngành bán lẻ
Thương hiệu bán lẻ thời trang Zara đang triển khai mô hình hỗn hợp, trong đó cửa hàng truyền thống đóng vai trò là một trung tâm phân phối mini nhờ công nghệ theo dõi RFID.
Thời báo tài chính Financial Times viết về quy trình mới của Zara:
“Hai chiếc hộp cao khoảng 2m màu bạc, trông giống như một chiếc máy giặt là hơn là một bước tiến lớn tới tương lai của ngành bán lẻ.
Thế nhưng, khi một hàng quần trên móc treo len lỏi qua chúng, đây hoá ra lại là điểm khởi đầu của một hệ thống theo dõi đã giúp nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới phục hồi từ đại dịch”.
Đúng như lời nhận định của Financial Times, quy trình này đóng vai trò then chốt trong thành công của Zara - thương hiệu thuộc tập đoàn thời trang Inditex nổi tiếng Tây Ban Nha.
Inditex áp dụng công nghệ theo dõi RFID trong việc kết hợp cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến
Cụ thể hơn về vai trò của hai chiếc hộp màu bạc đã đề cập ở trên là gắn số định danh duy nhất của từng món đồ của thương hiệu, để thương hiệu có thể theo dõi sản phẩm của mình ở bất cứ đâu, cho đến khi chúng được chuyển đến tay khách hàng.
Ngoài hai chiếc hộp tại trụ sở công ty, hiện Inditex có khoảng 150 chiếc hộp tương tự tại các cửa hàng Zara trên khắp thế giới. Nhiệm vụ của chúng là định danh hơn 1 tỷ món đồ thời trang mà Inditex xử lý mỗi ngày.
Công nghệ theo dõi thẻ bảo mật được gắn vào quần áo này được biết đến là RFID (nhận diện qua tần số vô tuyến), thông qua những bảng vi mạch siêu nhỏ và anten để công ty theo dõi sản phẩm và xử lý đơn hàng.
Chiến thuật trên giúp thương hiệu có thể tận dụng các cửa hàng thành trung tâm phân phối mini. Qua đó, Inditex kết hợp thành hoạt động bán hàng trực tuyến với các cửa hàng bán lẻ truyền thống, trong khi đó giảm được lượng hàng tồn kho.
Cho đến cuối năm vừa qua, doanh thu từ mảng bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp tăng đến 77%, gấp 3 lần so với mức tăng trung bình 22% của ngành quần áo và giày dép trực tuyến nói chung trên thế giới.
Hệ thống theo dõi giúp Inditex vẫn phát triển bất chấp đại dịch
Nhà phân tích Anne Critchlow tại Société Générale đã nhận định rằng Zara là một trong số rất ít nhà bán lẻ có khả năng xử lý đơn hàng trực tuyến với phương pháp tối ưu chi phí, thông qua việc sử dụng lượng sản phẩm hiện có trong cửa hàng.
"Inditex có công nghệ để làm điều này: mạng lưới cửa hàng của doanh nghiệp tương đương với hơn 6.000 nhà kho khắp các địa phương, với khả năng giao đồ nhanh hơn với chi phí thấp hơn vì chúng rất gần với khách hàng". - Bà Anne Critchlow nhận định.
Dù mới chỉ đặt chân vào thị trường trực tuyến từ năm 2010, nhưng doanh số mà các đơn hàng online mang đến cho Inditex trong giai đoạn 2019-2020 đã tăng từ 14% đến 32%.
Vượt qua những thách thức của thị trường
Chuỗi cung ứng nhanh nhạy
Inditex nổi bật bởi cách thức phát triển rất riêng, không dựa vào chính phủ như đa số các công ty lớn khác tại Tây Ban Nha. Đây là nỗ lực của người sáng lập Amancio Ortega của công ty - một trong những người giàu nhất thế giới.
Nhờ hệ thống theo dõi và chuỗi cung ứng linh hoạt, Inditex có thể điều chỉnh cũng như bổ sung nhiều mẫu hàng hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhằm ổn định và bù đắp những tổn thất từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ý trong năm vừa qua.
Chiến lược của Inditex ưu tiên "kéo" hơn là "đẩy". Với hơn 65.000 mẫu thiết kế mới mỗi năm, dù không chi nhiều chi phí cho marketing nhưng mỗi ngày, thương hiệu có hơn 20 triệu người theo dõi các sản phẩm mỗi ngày trên kênh trực tuyến.
"Điều cốt lõi trong chiến lược của Inditex chưa bao giờ thay đổi: linh hoạt trong mô hình kinh doanh, tích hợp logistics, sản xuất và thiết kế, sản xuất gần người tiêu dùng và khả năng phản ứng nhanh".
- Chủ tịch hiện tại của Inditex là ông Pablo Isla nhấn mạnh.
Áp lực từ phát triển bền vững
Không chỉ phải duy trì hoạt động của các cửa hàng truyền thống, Inditex còn phải đối phó với những vấn đề liên quan đến tính bền vững của mô hình kinh doanh cũng như điều kiện làm việc ở một số nhà cung ứng.
Chuyên gia thời trang bền vững Carmen Valor Martínez của Đại học Comillas Pontifical (Madrid), cho biết:
"Inditex đã khởi xướng một mô hình nổi bật về logistics và có hệ thống thông tin với khả năng phản hồi vượt trội về tính mới trên thị trường. Tuy nhiên, với môi trường hiện tại, điều này lại trở thành thảm hoạ.".
Ông cũng phân tích thêm:
"Công bằng mà nói, Inditex đã điều chỉnh mô hình của mình nhưng để phát triển bền vững, thì cần phải loại bỏ thay vì tinh chỉnh mô hình hiện tại".
Trước những nhận định này, Inditex đã phản hồi bằng việc liên tục nâng cao tính bền vững cũng như cam kết không thải rác ra những bãi rác trên mặt đất, đồng thời đến năm 2023 sẽ dừng sử dụng nhựa một lần.
Cách đây một tuần, Inditex công bố thêm nhiều mục tiêu phát triển bền vững hơn như ít hơn 25% lượng nước cho tới năm 2025, đồng thời tăng doanh thu từ dòng sản phẩm bền vững Join Life với tỉ trọng 50% tổng doanh số vào năm tới.
Cạnh tranh khốc liệt
Với vị thế trong ngành bán lẻ thời trang, Inditex cũng phải đối diện với những cuộc cạnh tranh khốc liệt, bao gồm cả những thương hiệu chỉ hoạt động trực tuyến như Shein (Trung Quốc).
Chủ tịch Pablo Isla của Inditex chia sẻ: "Chúng tôi chưa từng muốn một mô hình kinh doanh độc lập trên mạng mặc dù với doanh số bán trực tuyến 6,6 tỷ euro vào năm ngoái, chúng tôi là người dẫn đầu thế giới ở mảng thời trang online".
Inditex tin tưởng rằng mô hình tương tương lai của ngành thời trang sẽ là sự kết hợp giữa cửa hàng vật lý và ứng dụng di động. Thương hiệu cũng cam kết sẽ duy trì cửa hàng truyền thống bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch khiến nhiều đối thủ từ bỏ.
"Các mô hình kinh doanh khác nhau luôn có cơ hội thành công trong cùng một ngành. Nhưng mô hình của chúng tôi có nhiều tiềm năng dài hạn." - ông Pablo Isla nói - "Tôi không tin các cửa hàng vật lý sẽ chết".
Theo Inditex, những cửa hàng trực tiếp luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng bởi chúng là phương pháp tốt nhất để doanh nghiệp quan sát những phản ứng của thị trường.
Nhà phân tích Anne Critchlow cũng nhận định thêm rằng:
"Khi đại dịch dần ổn định, mọi người đều đang điều chỉnh lại sự cân bằng giữa thế giới trực tuyến - thực tế và Inditex đang đầu tư lớn vào cách tiếp cận mang lại trải nghiệm liền mạch giữa cả hai thế giới".
Tuy nhiên, trước những hiệu quả mà mô hình kinh doanh của Inditex mang lại, bà Anna Critchlow cũng bày tỏ rằng khả năng phát huy mô hình sau đại dịch của thương hiệu có thể sẽ định hình tương lai của ngành bán lẻ.
Nguồn: Theo Vietnambiz